Giá khí đốt tự nhiên đang tăng cao. Giá than tăng vọt. Giá dầu dự báo sẽ lên mức 100$. Khủng hoảng năng lượng toàn cầu do thời tiết và sự phục hồi nhu cầu đang trở nên tồi tệ hơn, gây báo động trước mùa đông, khi cần nhiều năng lượng hơn để thắp sáng và sưởi ấm. Các chính phủ đang cố gắng hạn chế tác động đến người tiêu dùng, nhưng thừa nhận rằng có thể không ngăn được giá tăng đột biến.
Ở Trung Quốc, tình trạng mất điện kéo dài đã bắt đầu, trong khi ở Ấn Độ, các nhà máy điện đang tranh giành than. Châu Âu đang kêu gọi cấm ngắt kết nối nếu khách hàng không thể kịp thanh toán hóa đơn. “Cú sốc giá này là một cuộc khủng hoảng không mong đợi ở thời điểm quan trọng”, Giám đốc năng lượng Vương quốc Anh cho biết, đồng thời xác nhận sẽ đưa ra chính sách dài hạn hơn vào tuần tới.
Ở châu Âu, khí đốt hiện được giao dịch ở mức 230 USD / thùng, tính theo dầu, tăng hơn 130% kể từ đầu tháng 9 và cao hơn 8 lần so với cùng thời điểm năm ngoái. Tại Đông Á, giá khí đốt đã tăng 85% kể từ đầu tháng 9, đạt khoảng 204 USD / thùng, mức cao nhất trong 13 năm.
Nikos Tsafos, chuyên gia năng lượng, cho biết: sự lo lắng đã phá vỡ quy luật cung cầu. Sự tăng giá khí đốt cũng đang đẩy giá than và dầu lên cao. Mùa đông cũng có thể làm cho vấn đề tồi tệ hơn.
Không có giải pháp dễ dàng: khủng hoảng bắt nguồn từ nhu cầu năng lượng tăng cao khi sự phục hồi kinh tế sau đại dịch đang diễn ra. Một mùa đông dài và lạnh bất thường vào đầu năm nay đã làm cạn kiệt nguồn dự trữ khí đốt tự nhiên ở châu Âu. “Chưa bao giờ giá điện lại tăng nhanh đến như vậy ở châu Âu”.
Nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc đối với khí đốt, xuất khẩu khí đốt của Nga sụt giảm và năng lượng gió suy giảm đã làm trầm trọng thêm vấn đề. Tại Hoa Kỳ, giá khí đốt tự nhiên đã tăng 47% kể từ đầu tháng tám. Giá dầu đã đạt mức cao nhất trong bảy năm.
Khủng hoảng chi phí: theo Burkhard, trường hợp tốt nhất là mùa đông với nhiệt độ trung bình và sự gia tăng sản xuất khí đốt của Nga. Nhưng thời tiết khắc nghiệt trong những tháng tới sẽ tạo ra căng thẳng lớn. Việc chi phí năng lượng tăng vọt, không có dấu hiệu giảm bớt, đang làm dấy lên lo ngại lạm phát. Hóa đơn năng lượng cao hơn có thể làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng cho quần áo hoặc các hoạt động như ăn uống ở ngoài, ảnh hưởng đến sự phục hồi sau đại dịch.
Theo CNN